"Người ta có nhiều chốn để đi nhưng chỉ có một nơi để quay về". Nơi chốn bình yên đó, với nhiều người khác nhau, có thể khác nhau. Nhưng với tôi, nơi bình yên nhất đó là lòng mẹ.
Mẹ tôi không phải là người phụ nữ lam lũ "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" trên cánh đồng như bao nhiêu người phụ nữ khác ở quê. Mẹ tôi không phải là người nổi tiếng, cũn không phải là một người phụ nữ thành công trên thương trường như bao người phụ nữ khác chốn thị thành. Mẹ tôi rất đỗi bình thường trong hình dáng nhưng rất đỗi phi thường nơi đôi mắt và đôi bàn tay. Mẹ chọn cho mình một công việc theo nhiều người là nhàn hạ và nhẹ nhàng - thợ may - nhưng đâu ai biết được mẹ tôi vất vả đến nhường nào.
Ba tôi đi làm xa từ khi tôi lên hai. Ba cũng rất ít khi về, gia đình tôi thường chỉ có mẹ, tôi và em trai nhỏ. Đối với tôi, mẹ là chỗ dựa vững chắc và êm dịu nhất. Lúc tôi còn bé, tôi rất thích bắt cái ghế đẩu ngồi kế bên mẹ, nhìn mẹ làm việc, nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt bên cái áo, cái quần, nhìn vào đôi mắt chăm chú và nhẫn nại, nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên má, và đặc biệt nghe tiếng cọc cạch của chiếc máy may phát ra. Có lúc tôi thiếp đi, tiếng máy cọc cạch, cọc cạch, ... theo tôi vào giấc ngủ, lúc tôi tỉnh dậy, tiếng máy vẫn đều đều, chầm chậm, không ngừng nghỉ. Chỉ đến đêm máy mới được ngừng hoạt động, không phải vì mẹ đi ngủ, chỉ vì mẹ sợ tiếng ồn làm hai chị em tôi không ngủ được. Lúc đó, mẹ vẫn cặm cụi làm khuy, vắt lai, luồng quần áo. Lúc ấy tôi nào thấu hiểu hết được nỗi lòng của mẹ, nỗi cực nhọc của mẹ mình.
Lúc ấu thơ, đã có lần, tôi ướt mem đi về nhà, tôi khóc, nỗi uất ức làm tôi không nói nên lời. Tôi phải tự một mình đi mẫu giáo. Trời mưa tầm tã ai cũng có ba mẹ đến rước về, xúm xính trong chiếc áo mưa ấm cúng hay được chở che, yêu thương trong những cánh dù rộng. Còn tôi...phải tự về. Tôi ghét mẹ không quan tâm đến mình, tôi ghét mẹ suốt ngày ngồi bên chiếc máy may cũ rích đó, tôi ghét mẹ không bao giờ dẫn chị em tôi đi chơi tung tăng trong ánh trăng đêm trung thu. Và tôi luôn khóc tức tưởi... Cho đến khi hiểu chuyện, mỗi lần nhớ lại những chuyện đó, tôi vẫn khóc, nhưng không phải uất ức cho tôi nữa, tôi khóc vì yêu mẹ, khóc vì vẫn chưa bao giờ quan tâm sâu sắc đến mẹ, vì tôi đã làm nhiều việc khiến mẹ buồn, vì cảm thấy mình quá vô tâm với những nhọc nhằn mẹ cất giữ bấy lâu nay.
Tôi vốn rất hiếu động, lại rất hay nói. Có chuyện vui buồn gì ở lớp, ở trên đường, ở xung quanh, tôi đều mang về tâm sự với mẹ. Có lúc nói trong tức tưởi nghẹn ngào, có lúc ríu rít trong tiến cười trong trẻo, dù bận đến đâu, mẹ cũng chăm chú lắng nghe tôi, sâu sắc động viên tôi, dỗ dành, an ủi tôi lúc tôi buồn, cười cùng tôi, mắng yêu tôi lúc tôi vui. Đến giờ vẫn vậy, dù tôi học vất vả hơn trước rất nhiều, thời gian ở lớp hơn hẳn ở nhà nhưng tôi và mẹ luôn có những giây phút bất tận bên những câu chuyện không đầu không đuôi của tôi.
Mẹ tôi có một nghị lực rất phi thường, chưa có bất cứ khó khăn nào khiến mẹ tôi chùn bước. Cũng có những lúc quá mệt mỏi, mẹ nằm trên giường cả ngày nhưng rồi mẹ lại vùng dậy tiếp tục công việc của mình. Tôi rất ít khi nắm tay mẹ, có lần tôi nắm lấy và sửng sốt! Đôi bàn tay của mẹ chai sần, chai sần vì cầm kéo, chai sần vì những mũi kim khâu, vì những nhọc nhằn đè nặng lên đôi tay của mẹ. Tôi thương mẹ quá. Tự nhiên tôi thấy mình phải làm điều gì đó để thay đổi cộc sống, cho mẹ tôi những tháng ngày bình yên hơn, đỡ vất vả hơn!
Tôi tự nhủ phải cố gắng thành công, là một học sinh tôi biết mình phải tích cực học tập, chỉ có học thật giỏi thì hai chữ "thành công" mới không xa vời.
Tôi đang leo lên từng bậc, từng bậc... để chạm tới thành công.
Tôi đang leo lên từng bậc, từng bậc... để xua đi nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ.
Tôi đang leo lên từng bậc, từng bậc... để chạm tới niềm hạnh phúc của mẹ, niềm hãnh diện của mẹ, nụ cười của mẹ.
Tôi đang đi trên con đường ấy bằng nghị lực mẹ truyền cho, bằng dòng máu nóng yêu mẹ mãnh liệt.
Và đến một ngày, tôi hi vọng, tôi sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc cho mẹ tôi!!!