Chỉ còn 1 ngày nữa là đến Tết ông Công, ông Táo - 23 tháng Chạp, người dân khắp cả nước đang tấp nập mua sắm đồ cúng lễ “tiễn” quan bếp về trời và cúng chúng sinh. Càng cận Tết, thị trường đồ lễ cúng ông Công, ông Táo càng được dịp tăng giá.
Hà Nội: Không cháy hàng, giá mã vẫn…tăngHà Nội những ngày này tràn ngập không khí ngày Tết ông Công, ông Táo. Người dân Hà Nội đang tấp nập sắm sửa đầy đủ những lễ cúng để ngày mai “tiễn” Táo quân về trời.
Tại Phố Hàng Mã - “trung tâm” mua sắm hàng “địa phủ” của Hà Nội, các mặt hàng cúng lễ đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại khiến cả tuyến phố rộn ràng sắc đỏ rực rỡ.
Bộ mã cúng này có giá 150.000 đồng (ảnh: Quỳnh Anh) Theo khảo sát của PV Dân trí, tuy không cháy hàng mã phục vụ cúng Tết ông Công, ông Táo nhưng giá bán tăng lên từng ngày.
Trên thị trường hàng mã năm nay tràn ngập những mẫu hàng mã đắt tiền của người trần được “biến hóa” thành đồ cúng để phục vụ người âm như: điện thoại như iPhone, xe máy, ôtô, máy bay... giá bán từ 70.000 - 300.000 đồng/chiếc. Các loại biệt thự dành cho người âm cũng được thiết kế đa dạng về mẫu mã, giá dao động từ 150.000 - 350.000 đồng.
Ngoài ra, các loại mã cúng thông thường như: mũ, áo, giày dép, tiền, vàng… có giá bán tăng khoảng 20% so với 2 tuần trước. Trong đó, 1 bộ đồ cúng cỡ lớn gồm 3 mũ và giày có giá bán từ 150.000 - 170.000 đồng/bộ; bộ mũ và áo cỡ nhỏ giá bán từ 120.000 - 140.000 đồng/bộ; các loại tiền vàng được bán tùy theo nhu cầu mua ít hay nhiều của khách hàng
Chị Nga - chủ một cửa hàng bán hàng mã trên phố Hàng Mã cho biết: “Ngày mai mới chính thức là Tết của ông Công, ông Táo nhưng người đến mua lễ cũng đã tấp nập từ 2 tuần nay rồi, lí do là có người cúng trước, người cúng đúng ngày. Đúng là mã cúng có tăng giá cao hơn khoảng từ 15.000 - 20.000 đồng tùy từng loại, nhưng nói chung hàng hóa bán chạy hơn mọi năm, nhà tôi vẫn đang lấy thêm hàng để bán đến tối mai”.
Cá chép cảnh được bán phổ rất biến ở Hà Nội phục vụ ông Táo "cưỡi" về trời (ảnh: Quỳnh Anh )
Mong muốn cầu gì được nấy, nhiều người Hà Nội đã sắm sửa lễ cúng ông Công, ông Táo khá lớn với tâm niệm Táo quân sẽ bẩm với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp về gia đình mình.
Chị Hà - ở quận Ba Đình chia sẻ: “Cả năm ông Công, ông Táo về trời 1 lần và bẩm báo mọi điều hay dở với Ngọc Hoàng nên đồ cúng và lễ tiễn phải đầy đủ, tươm tất. Tôi nghĩ việc sắm sửa lễ cúng không chỉ là cái tâm mà còn thể hiện sự biết ơn đối với ông Công, ông Táo quanh năm giúp bếp nhà mình luôn đỏ lửa…”.
Tại Hà Nội, lâu nay trong các khu vực chợ, dịp Tết ông Công, ông Táo cá chép thường đã “vắng bóng”, thay vào đó người dân chọn mua cá chép cảnh, cá vàng, các mã… Giá bán cá chép cảnh là 20.000 đồng/3 con, cá chép mã từ 10.000 - 15.000 đồng/bộ (3 con).
Ngày mai 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo sẽ về chầu trời.
TPHCM: Xuất hiện nhiều hàng “độc” Tại TPHCM, những cửa hàng chuyên về hàng mã nằm trên các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5); chợ Thiếc (quận 11); khu ven chợ Bình Tây (quận 6)… các mặt hàng như “cò bay, ngựa chạy”… được bày bán với giá từ vài ngàn đến mấy chục ngàn, tùy theo loại lớn nhỏ.
Các bà nội trợ rất đắn đo khi chọn mua hàng cho dịp này Những mặt hàng như cá chép làm bằng vải, hoặc vải nhung cũng được bày bán khắp nơi với giá từ 30.000đ đến 50.000đ/con. Riêng những loại như vàng lá, cành vàng lá ngọc, tiền âm phủ… giá rẻ được nhiều người hỏi mua hơn các mặt hàng đắt tiền.
Chị Kim Khánh, bán hàng mã tại chợ Bà Chiểu cho biết: “Năm nay đa số khách hàng rất đắn đo khi đi mua hàng cúng cho ông Táo. Giá cả năm nay cũng đắt hơn từ 15-30%. Chính vì thế cho đến thời điểm này lượng người mua cũng chưa nhiều. Chắc ngày mai sức mua mới tăng hơn.”
Không chỉ mặt hàng hàng mã, những mặt hàng còn sống như cá chép cũng được bày bán khắp nơi. Theo chị Trâm, bán cá chép tại sạp 1300 chợ Bến Thành, giá cá chép tăng khoảng 20% - 25% so với những ngày thường, cá chép đen được bán từ 50.000đ/kg trở lên, còn các chép vàng từ 60.000đ/kg trở lên. Đối với những các chép vàng nhỏ (2-3 lạng) được bán theo từng cặp, mỗi con có giá từ 20.000 – 25.000đ.
Cá chép được bán với giá từ 45.000 đến 50.000đ cho một cặp Các mặt hàng hoa, trái cây tại một số chợ lẻ giá cũng tăng gấp rưỡi vì nhu cầu người mua quá lớn. Ví dụ như hoa vạn thọ được mua nhiều nhất, có giá từ 6000 - 8000 đồng/cây, rẻ hơn nhiều so với hoa huệ 35.000 - 40.000 đồng/bó hay hoa ly 60.000 đồng-70.000/bó.
Mặc dù sức mua chậm hơn các năm nhưng các cửa hàng vẫn nhập về một số mặt hàng “độc” để cung cấp trong dịp này. Đối với các ông táo, các cửa hàng mã đưa các các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng Gucci, Rolex, L.V… cho các loại áo vét, cà vạt, đồng hồ, xế hộp, rượu ngoại, thuốc lá, hộp quẹt,…
Riêng bà táo thì lại đưa ra các loại áo dài, hoa văn với nhiều kiểu dáng dựa trên mọi lứa tuổi. Kèm vào đó là các dòng điện thoại có đủ iPhone, iPad, E71, Samsung… và kèm luôn sim “viễn thông địa phủ” mệnh giá từ 10.000 - 30.000 đồng/bộ. Xe máy có Click, Air Blade, SH giá từ 50.000 - 100.000 đồng/chiếc.
Các loại hàng mã có gắn các thương hiệu nổi tiếng được bày bán cho người có nhu cầu Các loại biệt thự cũng được thiết kế đa dạng về mẫu mã, giá dao động từ 150.000 - 350.000 đồng; còn máy bay, tủ lạnh, ti vi, máy giặt... là 40.000 - 300.000 đồng. Ngoài ra những sản phẩm như Audi mui trần, Mercedes, BMW hay Lexus... được bán với giá từ 150.000 - 200.000 đồng. Còn dòng xe 7 chỗ giá khoảng 170.000 - 250.000 đồng.
“Nếu ai cần thiết kế sản phẩm với các thương hiệu nổi tiếng như Rolls-Royce, Limousine ... chúng tôi đều làm. Các mặt hàng này thì dao động từ vài chục ngàn đến cả tiền triệu. Tuy nhiên mặt hàng tiền triệu thì cũng chỉ những người có tiền mới mua được. Còn lại những người bình dân hay chọn các loại mặt hàng có giá vài trăm trở lên ”, chị Nguyễn Thị Dao, chủ cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11) cho biết.
Đà Nẵng: “Tiễn” Táo quân với nghi lễ truyền thốngCác Chợ lớn tại Đà Nẵng như khu B, Siêu thị Bài Thơ cũ, chợ Cồn, chợ Hàn…, từ chiều ngày 24/1, đã thấy những người bán rong hàng tượng bộ ba nhà ông Táo. Hầu hết những người này nhận hàng từ Quảng Nam, Huế về Đà Nẵng bán.
Chị Nguyện - một tiểu thương bán hàng tại chợ Hàn đang cắp nong tượng mời khách cho biết: “Năm nào đến ngày Tết ông Công, ông Táo tôi cũng nhận hàng về. Tượng bộ ba nhà ông Táo, Táo bà đứng giữa, hai Táo ông hai bên, là sản phẩm của các làng nghề truyền thống của Quảng Nam và Huế”.
Bộ tượng 3 Táo quân là lễ cúng truyền thống của người dân vùng Quảng Nam, Đà Nẵng... (ảnh: Khánh Hiền) Người bán hàng chỉ rõ bộ tượng làm bằng gốm, đánh màu trông như bằng gỗ là của làng gốm Thanh Hà, Quảng Nam. Còn tượng mạ màu vàng là của làng nghề ở Huế. Giá bán năm nay là 10.000 đồng/bộ, gấp đôi giá năm trước.
Ngoài tượng bộ ba nhà ông Táo, mâm đồ lễ cũng đưa Táo về trời của người Quảng Nam, Đà Nẵng còn có thêm đồ hàng mã nguyên bộ giá từ 14.000 - 20.000 đồng/bộ (tùy bộ lớn nhỏ); cá chép khoảng 5.000 đồng/bộ.
Năm nay, ở các khu hàng mã tại Đà Nẵng còn có cả các phương tiện hiện đại như ô tô, máy bay… được làm rất kỳ công, giá từ 150.000 - 170.000 đồng/bộ. Phương tiện đưa ông Táo về trời trong đồ cúng lễ còn có thể mua cá chép thật, khoảng từ 20.000 - 30.000/con tại các hàng cá cảnh dọc đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh…
... Cùng với đó là mũ áo để Táo quân mặc về trời (ảnh: Quỳnh Anh) Chị Ngà - nhà ở đường Trần Phú, Đà Nẵng, cho hay: “Đồ lễ đưa Táo về trời theo phong tục của người dân ở đây khá đơn giản. Một bộ tượng, một bộ đồ hàng mã, cá chép. Và một ít bánh ngọt, món ăn mà nhà Táo ưa thích theo tục truyền, để Táo về Trời, ngọt giọng báo cáo với nhà trời những điều tốt, tiếng xấu của gia chủ ở trần gian trong năm qua.
Sắm đủ lể mất chỉ khoảng 50.000 - 70.000 đồng là vừa vặn, chủ yếu là mình phải thành tâm giữ truyền thống. Cứ đúng 0h23 tháng Chạp là bày lễ cúng được cho là đúng giờ Táo lên đường về trời”.